KỸ NĂNG BẢO VỆ BẢN THÂN
KỸ NĂNG BẢO VỆ BẢN THÂN
Xã hội hiện đại mang đến cho cuộc sống con người nhiều tiện ích, sự thoải mái nhưng
cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là đối với con trẻ. Điều này đòi hỏi mỗi trẻ
đều phải có những kỹ năng để xử lý cũng như bảo vệ chính bản thân mình.
Ngay khi trẻ sinh ra, bố mẹ đã cố gắng tạo ra môi trường an toàn cho trẻ. Giai đoạn trẻ
bước đi thành thạo và làm chủ được những hoạt động của mình: chạy, nhảy,.. việc hướng
cho trẻ những việc an toàn và không an toàn bắt đầu hình thành. Theo thời gian, những
kỹ năng ấy ngày càng nhiều thêm bởi tính tò mò và khả năng làm chủ hành động của trẻ.
Bất cứ một sự vật nào hiện ra đều trở thành một đề tài thu hút đối với trẻ. Đó được coi là
cơ hội để mở rộng kiến thức nhưng đồng thời cũng có thể là mối nguy hại khôn lường đối
với trẻ. Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ giúp trẻ có thể an toàn
hơn và tự tin hơn để khám phá cuộc sống muôn màu. Để thể hiện tốt kỹ năng bảo vệ bản thân trẻ cần có:
- Kỹ năng an toàn khi tự chơi. Đây được coi là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các bậc phụ huynh trong thời gian gần đây. Hiện nay do tính chất của công việc cũng như điều kiện của mỗi gia đình, việc tự chơi của các con rất phổ biến. Trong quá trình chơi, các con có thể gặp phải những mối nguy hiểm từ những đồ vật trong gia đình như phích nước, ổ điện, bếp điện từ, máy rửa bát, robot lau nhà thông minh, cầu thang và những đồ vật nhỏ. Các con cần hiểu được đâu là đồ chơi, đâu là đồ dùng trong gia đình; đâu là đồ vật an toàn và đồ vật không an toàn,…
- Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể. Ở Việt Nam, vấn đề cho con tìm hiểu về vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khá nhức nhối trong xã hội hiện nay. Để đảm bảo cho con có những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ thân thể cũng như cách phòng tránh khi bị xâm hại cơ thể, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết. Cha mẹ hãy giúp con hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể, nếu bị xâm hại cơ thể các con nên ứng xử ra sao.
- Kỹ năng ứng xử khi bị lạc. Với nhu cầu vui chơi giải trí hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị lạc xảy ra nơi công cộng. Các bậc phụ huynh nên giúp trẻ có những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc như: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì? Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà. Tuy nhiên khi trẻ đang hoảng sợ chưa chắc trẻ đã nhớ chính xác những thông tin này, vì thế tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
- Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông. Đây là một kỹ năng quan trọng đối với trẻ khi tham gia vào xã hội. Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường cơ bản, một số người có vai trò trong việc điều hành giao thông, cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư.
Còn rất nhiều kỹ năng khác cần thiết cho trẻ trong việc thể hiện kỹ năng bảo vệ bản thân. Để trẻ thực hiện tốt những kỹ năng này cần phải rèn luyện mỗi ngày và thực hành liên tục.