HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích
ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề
nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực
chung quy định trong chương trình tổng thể.
Ở cấp tiểu học, Hoạt động trải nghiệm hình thành cho học sinh thói quen tích cực
trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh
ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành
những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được
năng lực giải quyết vấn đề.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS giúp học sinh củng cố thói quen
tích cực, nền nếp trong học tập và sinh hoạt, hành vi giao tiếp ứng xử có văn hoá và tập
trung hơn vào phát triển trách nhiệm cá nhân: trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với
gia đình, cộng đồng; hình thành các giá trị của cá nhân theo chuẩn mực chung của xã hội;
hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống; biết tổ chức công
việc một cách khoa học; có hứng thú, hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp, có ý thức
rèn luyện những phẩm chất cần thiết của người lao động và lập được kế hoạch học tập,
rèn luyện phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THPT giúp học sinh phát triển các phẩm
chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Kết thúc giai
đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh có khả năng thích ứng với các điều kiện
sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại; có
khả năng tổ chức cuộc sống, công việc và quản lí bản thân; có khả năng phát triển hứng
thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp tương lai; xây dựng được kế
hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành người công dân có ích.
Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được xây
dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh với bản thân, với xã hội, với tự
nhiên, với nghề nghiệp và được tổ chức thành 4 mạch hoạt động sau: Hoạt động hướng
vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động
hướng nghiệp.
Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thực hiện trong
và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc
quy mô trường; với bốn loại hình hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp,
Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ; với sự tham gia, phối hợp, liên
kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm
lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu nhà trường, cha mẹ học sinh, chính
quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Các phương thức hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao
gồm:
Phương thức Khám phá: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh trải
nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc, giúp học sinh khám phá
những điều mới lạ, tìm hiểu, phát hiện vấn đề từ môi trường xung quanh, bồi dưỡng
những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương đất nước. Nhóm phương thức tổ chức
này bao gồm các hoạt động tham quan, cắm trại, thực địa và các phương thức tương tự
khác.
Phương thức Thể nghiệm, tương tác: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học
sinh giao lưu, tác nghiệp và thể nghiệm ý tưởng như diễn đàn, đóng kịch, hội thảo, hội
thi, trò chơi và các phương thức tương tự khác.
Phương thức Cống hiến: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh mang
lại những giá trị xã hội bằng những đóng góp và cống hiến động tình nguyện nhân
đạo, lao độngcông ích, tuyên truyền và các phương thức tương tự khác.
Phương thức nghiên cứu: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh tham
gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhờ cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế,
qua đó đề xuất những biện pháp giải quyết vấn đề một cách khoa học. Nhóm hình thức
tổ chức này bao gồm các hoạt động khảo sát, điều tra, làm dự án nghiên cứu, sáng tạo
công nghệ, nghệ thuật và các phương thức tương tự khác. Nội dung đánh giá kết quả
giáo dục trong Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là các
biểu hiện của phẩm chất và năng lực đã được xác định trong chương trình: năng lực
thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng
nghề nghiệp. Các yêu cầu cần đạt về sự phát triển phẩm chất và năng lực của mỗi cá
nhân chủ yếu được đánh giá thông qua hoạt động theo chủ đề, hoạt động hướng
nghiệp, thông qua quá trình tham gia hoạt động tập thể và các sản phẩm của học sinh
trong mỗi hoạt động.
Đối với Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp, nội dung đánh giá chủ yếu tập trung
vào sự đóng góp của học sinh cho các hoạt động tập thể, số giờ tham gia các hoạt động
và việc thực hiện có kết quả hoạt động chung của tập thể. Ngoài ra, các yếu tố như
động cơ, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực đối với hoạt động chung
của học sinh cũng được đánh giá thường xuyên trong quá trình tham gia hoạt động.
Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh,
đánh giá của cha mẹ học sinh và đánh giá của cộng đồng; giáoviênchủnhiệm lớp chịu
trách nhiệm tổng hợp kết quả đánhgiá.
Kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá thường xuyên
và định kì về phẩm chất và năng lực và có thể phân ra làm một số mức để xếp loại.
Kết quả đánh giá Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
được ghi vào hồ sơ học tập của học sinh (tương đương một môn học)./.